1. Không lưu ảnh CCCD trong điện thoại để tránh mất tiền trong tài khoản
Hiện nay, rất nhiều người có thói quen chụp lại hai mặt CCCD lưu trữ trong điện thoại để tiện xuất trình trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, đây có thể là kẽ hở để kẻ gian chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng của bạn.
Ngân hàng BIDV đã có cảnh báo về hiện tượng giả danh cán bộ của các cơ quan Nhà nước (đặc biệt là cơ quan thuế, công an) gọi điện thoại thông báo khách hàng cần khai báo/cập nhật thông tin tại các ứng dụng của cơ quan Nhà nước như VNeID, VssID, eTax…
Người dùng được các đối tượng lừa đảo hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo vào điện thoại, sau đó tạo ra một số tình huống yêu cầu thực hiện các giao dịch như đổi mật khẩu, chuyển khoản lệ phí công...
Nếu người dùng thực hiện theo hướng dẫn, các ứng dụng giả mạo này sẽ đọc trộm thông tin mà khách hàng nhập, theo dõi toàn bộ các ứng dụng trên điện thoại cũng như các thao tác mà khách hàng thực hiện trên thiết bị.
Từ đó cướp quyền điều khiển thiết bị di động cũng như các tài khoản đăng nhập thông qua điện thoại. Hiện tượng này đã được ghi nhận với nhiều người dùng sử dụng hệ điều hành Android.
Có thể thấy, việc lưu ảnh CCCD dân trong điện thoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân. Trong khi đó, kẻ gian lại có rất nhiều cách để lợi dụng thông tin này để lừa đảo, đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.
Như vậy, tốt hơn hết là người dùng không lưu ảnh CCCD trong điện thoại để tránh xảy ra sơ xuất làm mất tiền trong tài khoản.
2. Làm thể nào để bảo vệ thông tin và tài khoản ngân hàng trên điện thoại?
Qua khuyến cáo về hiện tượng lừa đảo trên, Ngân hàng BIDV khuyến cáo khách hàng nên thực hiện các việc sau để bảo vệ thông tin và tài khoản ngân hàng trên điện thoại:
- Đối với các thiết bị Android, nên tắt các ứng dụng có quyền Hỗ trợ (Accessibility) tại mục "Cài đặt > Hỗ trợ > Ứng dụng đã cài đặt".
- Chú ý, chỉ cài đặt các ứng dụng chính thức trên Appstore và CH Play, không cài đặt qua các web/link lạ do người khác gửi đến, tuyệt đối không cung cấp/để lộ thông tin mật khẩu, mã xác thực... cho bất kỳ ai để tránh bị lợi dụng.
- Không nên lưu trữ trên thiết bị di động ảnh chụp CCCD, Hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng.
- Luôn cập nhật ứng dụng ngân hàng lên phiên bản mới nhất.
- Nắm vững quy định làm việc của các cơ quan Nhà nước là chỉ hướng dẫn các thủ tục hành chính trực tiếp tại trụ sở làm việc hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, không hướng dẫn qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.
- Cần tố cáo ngay cho cơ quan công an nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo.
3. Bị lừa đảo mất tiền trong tài khoản, phải làm sao?
Nếu không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, bị mất tiền trong tài khoản, bạn nên liên hệ ngay với ngân hàng và cơ quan Công an gần nhất nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn...) để được giải quyết kịp thời.
Để tố giác tội phạm lừa đảo với cơ quan Công an, cần chuẩn bị: Đơn trình bào, CCCD, chứng cứ kèm theo như bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn…
Ngoài ra, người bị hại cũng có thể tố giác tội phạm thông qua đường dây nóng của Bộ Công an hoặc Công an địa phương