Giới thiệu chung Xã Nam Hưng
Ngày 24/04/2020

Media/221_NamHung/Images/z2019856235427-6efa84afec6bc1e8ef1240040e59cee8.jpg

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ,  ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI
    Nam Hưng là một trong tám xã ven biển, cách thị trấn Tiền Hải khoảng 13 km về phía nam; phía bắc giáp xã Nam Thanh; phía tây bắc giáp xã Nam Trung và Nam Hồng; phía tây nam giáp sông Hồng, bên kia là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; phía nam giáp với Biển Đông và xã Nam Phú; phía đông giáp xã Nam Thịnh.
    Trải qua hàng trăm năm cải tạo, địa hình đất đai Nam Hưng tương đối bằng phẳng với độ cao từ 0,5 đến 0,7 m so với mặt nước biển. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có bốn mùa trong năm. Lượng mưa trung bình khoảng 2.000mm/năm. Đất đai Nam Hưng là loại đất phù sa và đất thịt phù hợp cho thâm canh lúa nước và trồng các loại cây rau màu. Sông Khổng là nguồn nước chính đảm nhận nhiệm vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và cây màu.
    Nam Hưng có hàng trăm hécta cùng vùng nước đệm trên bãi triều ven biển thuận lợi cho nhiều loại hải sản sinh sôi như cá bống, cá bớp, cá nhệch, tôm, cua, ngao, vạng, don... Vùng biển nước sâu có các loại hải sản quý như cá mực, cá chim, cá thu, cá nụ, cá đé, cá hồng... Trên diện tích rừng ngập mặn vào tháng 4, tháng 5 khi các loại hoa sú, vẹt, bần, trang nở rộ cũng là mùa của những đàn ong về đây lấy mật. Những năm gần đây, Nam Hưng tập trung khai thác diện tích bãi bồi ven biển phát triển nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. 
    Đến năm 2015, tổng diện tích đất đai của xã là 1.271 ha. Trong đó đất trồng lúa là 987,53 ha; đất thổ cư 46,28 ha; đất bãi triều 483,4 ha; đất ao hồ, sông ngòi là 3,24 ha; đất chuyên dùng và đất khác là 280ha
    Dân cư trong xã có 1.624 hộ với 5.375 khẩu, cư trú ở ba thôn là: Lộc Trung, Tân Trào, Lộc Ninh. Nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Có hai tôn giáo là đạo Phật và đạo Thiên Chúa chiếm  khoảng 17% dân số trong xã. 
    Nam Hưng có 05 chi bộ cơ sở, trong đó có 03 chi bộ thôn Lộc Trung, Lộc Ninh, Tân Trào, 02 chi bộ giáo dục, chi bộ trường Mầm Non, chi bộ trường Tiểu học và THCS; toàn Đảng bộ có 250 đảng viên.
    Nam Hưng có 2 km đường 221A chạy qua, là con đường tỉnh lộ nối thị trấn Tiền Hải với khu du lịch Cồn Vành. Ba tầng đê biển gồm đê số 5, số 6 và số 7 là những đường huyết mạch giao thông nối Nam Hưng với Nam Thịnh, Nam Phú thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế. Chợ Lác Nam Hưng (còn gọi là chợ Xoan Tây) đã hình thành và gắn với văn hóa và đời sống nhân dân từ những ngày đầu khai hoang mở đất, đến nay vẫn duy trì hàng trăm nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh thu hút khách thập phương đến trao đổi, buôn bán.
    Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, Nam Hưng có sự phát triển vượt bậc, kết cấu hạ tầng trong xã được xây dựng, nâng cấp; các công trình phúc lợi, công cộng như hội trường, nhà văn hóa, trụ sở làm việc, nhà bia liệt sĩ, sân vận động, hệ thống điện thắp sáng và những tuyến đường bê tông, cầu cống trong khu dân cư ngày càng hoàn thiện đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, trù phú và văn minh. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm. Đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện.
    Nam Hưng là mảnh đất mới nơi cuối sông Hồng, nằm trong tuyến biên phòng trọng yếu ven biển, trọng điểm kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện Tiền Hải. Nhìn trong bản đồ hành chính quốc gia, nhân dân Nam Hưng tự hào ví mình như một con tàu đang lướt sóng ra khơi, đầu hướng ra Biển Đông, lái gối vào cửa sông Hồng.
    II- SỰ HÌNH THÀNH MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI NAM HƯNG
1. Quá trình hình thành
    Từ xa xưa, nhờ quá trình bồi tạo của phù sa sông Hồng, bãi Tiền Châu dần được hình thành. Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo dòng phù sa nặng đỏ màu mỡ đắp thành các cồn: cồn Trung, cồn Trào, cồn Đông, cồn Tây, cồn Vảnh, cồn Thủ. Đất bồi đến đâu lau lách, sú vẹt, cỏ cói... mọc um tùm đến đó tạo thành các rừng chắn sóng. Cứ thế, vùng bãi triều càng ngày càng được mở rộng với nhiều dòng sông, nhánh lạch. Trước kia, cửa Lân là cửa chính của sông Hồng, còn Ba Lạt chỉ là một cửa nhỏ. Nhân dân gọi là “Đại hải Lân môn, tiểu giang Ba Lạt”. Theo tương truyền, xưa kia qua lại hai bờ cửa Ba Lạt chỉ cần một chiếc cầu tre. Mỗi suất đinh trong vùng phải đóng một cây tre và 3 chiếc lạt để làm cầu bắc qua sông cho dân đi lại.
     Vào cuối thế kỷ XVIII, do ảnh hưởng của vận động kiến tạo, qua trận hồng thủy năm 1786, sau một trận lũ lớn, cửa Ba Lạt sụt lở, Hồng Hà đổi dòng “Ba Lạt tiểu giang trở thành “Ba Lạt phá hội”, cửa Ba Lạt nhỏ bé trở thành cửa chính của sông Hồng và ổn định đến ngày nay. Nhờ biến thiên của dòng chảy, sông Hồng bồi tụ về phía Tiền Hải, phía Nam Định bị lở xói mòn, cửa sông chảy dần về phía tây nam tạo ra một dải cát khổng lồ gọi là cồn Vành.
    Nam Hưng xưa kia là một phần của bãi Tiền Châu. Vào cuối thế kỷ XVIII, một số cư dân các làng cựu miền Xuân Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã dùng thuyền xuôi theo dòng nước đến nơi đây làm nghề chài lưới. Vùng đất rộng, cá sẵn, tôm nhiều đã níu giữ cư dân neo đậu sinh sống. Thấy cỏ cói lăn lác, lau sậy mọc um tùm, họ đã cùng nhau cải tạo đắp các con nhong, con chạch ngăn nước xiết tạo thành các đồng cói và đay tốt ngập đầu người. Tiếng lành đồn xa, cư dân tiếp tục về đây sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất cửa Ba Lạt được nhiều người, nhiều nơi biết đến. Cư dân  từ các nơi về sinh sống ngày một nhiều. Có nhiều dòng họ về đây từ rất sớm, song đến sớm nhất và đông nhất là các họ: Trần, Lâm, Phan, Phạm, Hoàng, Nguyễn, Bùi, Đoàn,.... quê gốc từ Trà Lũ - phủ Xuân Trường; Trà Giang - phủ Kiến Xương. 
    Các làng Lộc Trung, Thiện Thành, Đông Ninh, Roãn Đông lần lượt được hình thành. Qua nghiên cứu từ thần sắc, thần phả ở một số đình miếu như đình Lộc Trung, đình Thiện Thành, Miếu Âm và một số nhà thờ tổ các dòng họ Trần, Hoàng, Phan, Lâm, Lưu... cho thấy làng Lộc Trung được hình thành sớm nhất vào khoảng năm Bính Tuất (1886). Làng Thiện Thành và Roãn Đông được hình thành năm Nhâm Thìn (1892) và sau đó đầu thế kỷ XIX, làng Đông Ninh được hình thành. Dù đến từ các vùng đất khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, vạn sự khởi đầu gian nan vất vả, nhưng tất cả cư dân đến Nam Hưng đều cần cù, chịu khó, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường bám đất, bám làng cải tạo tự nhiên, sinh cơ lập nghiệp. 
Khi mới thành lập, các làng thuộc tổng Đông Thành, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. 
    Đến năm 1895, tổng Đông Thành được tách ra khỏi huyện Giao Thủy, sáp nhập vào huyện Tiền Hải. Tổng Đông Thành có 13 làng, bao gồm các làng từ Nội Lang xã Nam Hải đến tận Nam Đồng xã Nam Thắng; Hợp Châu, Thiện Tường thuộc xã Nam Thịnh; trong đó có ba làng của xã Nam Hưng. Như vậy, bắt đầu từ năm 1895, địa phận xã Nam Hưng thuộc huyện Tiền Hải.
     Tháng 3-1946, sau khi hoàn thành công tác bầu cử Quốc hội khóa I và Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan hành chính lúc này được thay đổi theo quy định của cơ quan chính quyền cấp trên. Các làng Lộc Trung, Thiện Thành, Roãn Đông cùng với làng Thiện Tường (xã Nam Thịnh ngày nay), hợp thành một xã có tên là xã Hùng Vương. Ông Nguyễn Văn Vịnh là giáo dân làng Lộc Trung được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, đồng chí Trần Ngọc Quynh là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, đồng chí Mai Hồ ở làng Roãn Đông là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã . 
    Tháng 3-1947, trước tình hình mới của cách mạng, Đảng ta chủ trương thay đổi lại đơn vị hành chính lần thứ hai, các đơn vị xã cũ được giải tán, đơn vị hành chính mới được thành lập, bốn xã Hùng Vương, Hoa Thám, Liên Châu, Quang Trung lập thành một xã lớn lấy tên là Văn Tố . 
Tháng 8-1948, xã Văn Tố được chia thành hai xã mới. Một nửa phía tây bắc vẫn lấy tên là Văn Tố (gồm hai xã Nam Thanh, Nam Thắng ngày nay); một nửa phía đông  nam lấy tên là xã Đông Hưng (gồm các xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú ngày nay).
    Ngày 14-10-1955, xã Đông Hưng được chia tách thành hai xã là Nam Hưng và Nam Thịnh.
    Ngày 13-1-1987, theo Quyết định số 169 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nam Hưng  được tách ra thành hai xã Nam Hưng và Nam Phú ổn định đến ngày nay. 
2. Quá trình kiến tạo
    a) Đắp đê mở đường khai khẩn đất hoang
    Buổi sơ khai, khi các dòng họ về đây sinh sống, đã chọn các gò, đống cao để làm nền ở tạm. Từ làng nọ sang làng kia, từ nhà này sang nhà khác phải đợi nước thủy triều rút cạn hoặc phải dùng thuyền mủng, bè chuối. Để khắc phục cuộc sống tạm bợ lúc ban đầu, cư dân các làng đã đoàn kết, kề vai sát cánh chung sức, chung lòng tổ chức đắp các con nhong, chạch, kè, đào các kênh, mương để từng bước phân thủy nhập điền. Khi cỏ cây đã bám vào lòng đất tạo được nền đất cứng, nhân dân các làng tổ chức đắp đập, mở đường, đắp đê ngăn mặn, đào sông từng bước cải tạo đất đai. Những con đê ngăn sóng, trị thủy kéo dài từ làng nọ sang làng kia, vừa phục vụ đời sống vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo nền móng lâu dài cho tương lai. Những vùng đất bãi bồi nhân dân đã tận dụng để cấy cói, cấy lúa hom, lúa tám.
    Con đê đầu tiên của Nam Hưng được dân làng tổ chức đắp là đê số 5. Đê được kéo dài từ Nam Thắng qua Đồng Lạc, xã Nam Thịnh xuống tới Bồng He. Những trận bão gió, lụt lội làm đê vỡ nhiều lần. Các dấu tích tàn phá khốc liệt của thiên nhiên còn để lại là vụng Bà Chuẩn, vụng Bà Vạn (Trung Đồng). Song nhân dân Nam Hưng vượt lên trên mọi gian nan thử thách, vỡ lại đắp, lại tu bổ quyết giữ đất bám làng.  Đê số 5 đã ngăn chặn nước mặn tạo nên những cánh đồng Thủ Ương, Hậu Đồng, Kỳ Điền, Vỹ Thiên Táng, Mả Xây, Trung Đồng.
    Con đê thứ hai là đê số 6. Đê được nối liền với đê số 5 tại Thiện Tường, Nam Thịnh, chạy dài xuống đường 221A ngày nay, lập nên làng Đông Ninh. Là con đê giáp biển  chịu sóng to, gió lớn bị vỡ nhiều lần tạo ra địa danh gọi là vụng Cụ Tác. Đê hoàn thành tạo ra cánh đồng Miếu Âm, đường nghĩa địa, làng Lộc Trung. Dân cư làng Đông Ninh ở dọc theo triền đê số 6 để tránh bão lũ. 
    Khi cồn Vành dần dần được hình thành, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước đã đầu tư kinh phí cùng với công sức đóng góp của nhân dân, đắp con đê quốc gia hùng vĩ, kéo dài từ Đông Minh đi sát mép biển nối liền với đê sông Hồng, ôm lấy vùng đất từ cửa Lân đến cửa Ba Lạt.
    Dù nỗ lực, kiên cường đắp đê, ngăn mặn và lũ lụt, song để thắng sức mạnh của thiên nhiên, người dân Nam Hưng cũng phải gánh chịu không ít những mất mát, đau thương. Khi đê bồi còn thấp, rừng cây chắn sóng chưa được hình thành, hiểm họa của việc vỡ đê thường xuyên đe dọa. Những khi mưa to, bão lớn, nước triều lên cao đã nhấn chìm nhiều đoạn đê, những dấu tích ngày nay vẫn còn. Vỡ đê, mùa màng thất bát, nhà cửa bị sập đổ, cây cối, vật nuôi, tài sản và con người bị cuốn trôi. Sau mỗi trận bão, lụt hàng ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đói rét cùng cực, bệnh dịch triền miên.
    Nhân dân Nam Hưng không quên trận bão lụt kinh hoàng năm Quý Mão. Ngày 12-5-1903 âm lịch, một cơn bão đổ bộ vào Thái Bình và Nam Định, tâm bão đúng khu vực cửa Ba Lạt. Gió lớn, triều cường dâng cao 3-4 mét trong nhiều giờ liền. Nhiều đoạn đê bị vỡ, nhiều nhà cửa ngập sâu dưới nước 2-3 mét, nhiều người chết hết sức thương tâm, nhiều gia đình chết nửa số người, có gia đình không còn ai sống sót như gia đình cụ Tuần Sứ ở Lộc Trung. Xác người, xác trâu, bò, chó, mèo, lợn, gà trôi lềnh bềnh theo chiều gió tây dạt thành đống lớn ở góc đê Châu Nhai (xã Nam Thanh ngày nay). Trước sự mất mát đau thương trong trận bão khủng khiếp, sau này nhân dân đã xây dựng tại đây miếu Âm hồn. Cũng từ đó đến nay, ngày 12-5 âm lịch hằng năm ở mỗi gia đình, dòng tộc, làng xóm đều tổ chức khói hương, cúng giỗ những người đã mất trong trận bão ngày xưa, gọi là ngày giỗ trận.
     Hơn 20 năm sau, ngày 24-6-1929 âm lịch (năm Kỷ Tỵ), Nam Hưng lại chịu một trận bão lớn đổ bộ khi 5 con nước, tuy nước đầu con không to, nhưng sức gió rất mạnh, thời gian kéo dài, sức tàn phá dữ dội. Thiệt hại về người không lớn, nhưng toàn bộ đê điều bị ngập tràn nặng nề, nhiều đoạn đê bối bị san phẳng, lúa màu bị ngập úng kéo dài, mùa màng thất thu, nhân dân lại một lần nữa rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất.
b) Đào sông, mương dẫn nước
    Mỗi trận bão lụt qua đi đều gây thiệt hại nặng nề, mất mát và đau thương. Không chịu khuất phục, nhân dân Nam Hưng xác định không thể bị động trước thiên nhiên, phải tự cứu lấy mình. Những người dân kiên cường lại đoàn kết chung sức, chung lòng, cùng nhau đào đắp, tôn tạo những đoạn đê bị vỡ, lở, hư, hỏng. Qua những lần lũ lụt, nhân dân cũng rút ra được bài học từ thực tế. Nguyên nhân làm cho hoa màu mất trắng nhiều vụ là do mặt bằng canh tác nơi cao, nơi thấp, hệ thống tiêu nước chưa được chú trọng, úng lụt kéo dài, lúa màu bị ngập sâu chết thối. Từ thực tế đó nhân dân các làng đã tổ chức khơi xẻ, đào đắp hàng chục kilômét sông mương. Đó là sông Sẻ kéo dài từ làng Thiện Tường đến cống Đôi, đường 221A. Sông Cụ Hậu chạy qua thôn Lộc Trung nối với sông Sẻ. Sông Bốn Đùi chạy qua làng Lộc Trung đến vụng Cụ Tác. Nhờ có các con sông đào vấn đề tiêu úng đã được giải quyết nhanh hơn, góp phần tích cực bảo vệ mùa màng cho nhân dân. Nhân dân còn sử dụng các con sông làm đường giao thông, khi đi chợ, lúc thu hoạch mùa màng, đi đánh cá đều dùng thuyền bằng tre, nứa để chuyên chở, đi lại.
    Đồng thời với việc xẻ sông, nhân dân tập trung vào làm cầu cống, bước đầu còn đơn sơ tạm bợ nhưng cũng tạo thành đường đi, lối lại, thông thủy trong vùng. Các loại cống vòm, cống quấn bằng tre, gỗ; cống bằng, cống lỗ mũi; những chiếc cầu tre có tay vịn, sào chống ra đời nối từ làng nọ sang làng kia. 
    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và đầu tư của Nhà nước cùng công sức của nhân dân, phong trào đắp đê trị thủy, kiến thiết hệ thống kênh mương, hệ thống thủy lợi đường giao thông được khơi dậy mạnh mẽ. Một loạt cầu cống được xây dựng kiên cố, đê số 5 được tôn tạo bồi đắp vững chắc. Cống Cuốn ở Trung Đồng, Roãn Đông được xây mới chủ động tưới tiêu cho  đồng ruộng làng Lộc Trung, Thiện Thành. Ba cống cuốn tiếp tục được xây dựng gồm cống Cụ Tác, Cụ Nha, Cụ Thủ, tưới tiêu nước cho đồng ruộng làng Lộc Trung, Đông Ninh và xã Nam Thịnh. Đê số 7 kéo dài từ Đông Minh, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Hưng đến đê sông Hồng được xây dựng, bao bọc bảo vệ cho nhân dân các xã ven biển. Cống Sáu, cống Khổng, cống Roãn Đông được xây dựng chủ động tưới tiêu thúc đẩy quá trình khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa và đay.
    Với từng tầng đê song song nối tiếp cùng với những rừng cây chắn sóng, đã hạn chế được nạn vỡ đê khi bão lụt, sóng to, gió lớn. Nhân dân bám theo các triền đê làm nhà cửa, phấn khởi khai hoang phục hóa, san ghềnh, lấp trũng; đào đắp bờ vùng, sông ngòi, kênh mương. Kênh mương được phân cấp, cứ 500 mét có một kênh cấp II; 100 mét có một  kênh cấp III. Hệ thống bờ vùng, bờ thửa được chú trọng cùng với hệ thống bi phai đầu mối, từng bước chủ động trong chống hạn, chống úng; thau chua, rửa mặn; góp phần thuận lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
c) Cải tạo đất đai mở rộng sản xuất
    Là vùng đất phù sa rộng lớn và màu mỡ, nhưng địa hình lại không bằng phẳng, chất lượng đất không đồng đều. Xen kẽ những mảnh ruộng là những ao hồ, đầm đìa, vụng lảng, vùng lầy, cỏ dại, lau lách, sậy súng, rong bèo mọc um tùm, là nơi cho chim, chuột trú ngụ phá hại mùa màng. Từ bản chất cần cù giãi nắng dầm sương, nhân dân các làng tập trung cải tạo khai phá đất hoang, san ghềnh, lấp trũng, phát nhổ lau sậy, cỏ dại mở mang diện tích gieo trồng.
    Những ngánh lầy, ngách trũng, hồ vụng được nhân dân bối lên thành làn cấy khoai nước, rau muống. Những nơi ghềnh như Kỳ Điền, Thủ Ương, Thiên Táng, đồng Lộc Trung, cửa Miếu Âm, nghĩa địa Đông Ninh, đồng Cụ Rỵ, đường nghĩa địa, đê sông Khổng, nhân dân đã quật thành gồ để trồng khoai lang, dong riềng. Dưới vùng gieo vãi điền thanh lấy phân xanh cải tạo đồng ruộng. Làng Lộc Trung cấy lúa hom ở nghánh Lầy đồng Quai. Từ những giọt mồ hôi một nắng hai sương mà màu xanh của lúa khoai trên đồng ruộng ngày một vươn rộng.
    Sau nửa thế kỳ khai hoang, phục hóa, năm 1900 Nam Hưng chỉ có 270 mẫu ruộng cấy một vụ, đến năm 1950 đã có gần 1.000 mẫu ruộng, trong đó diện tích cấy hai vụ là 500 mẫu, còn lại cấy một vụ và các loại hoa màu khác. 
    Tuy nhiên, dù diện tích dần được mở rộng nhưng trình độ thâm canh còn yếu kém, nguồn phân bón không có, chủ yếu là cấy chay; khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh phát sinh nên năng suất lúa màu rất thấp, ruộng tốt được mùa cũng chỉ được 5-6 thùng/sào (1 thùng khoảng 13 - 14 kg). Đời sống nhân dân hết sức khó khăn.
3. Tín ngưỡng và tôn giáo
    Những cư dân đầu tiên khi đặt chân đến Nam Hưng đã luôn cầu mong mưa thuận, gió hòa cuộc sống bình an, thịnh vượng. Với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá” người dân bắt đầu tìm cho mình các vị thần thánh để thờ phụng. Các chùa, nhà thờ, đình miếu, được xây dựng. Dân làng tổ chức tế lễ theo tuần, tiết. Lúc đầu chỉ hình thành các điểm tế lễ bằng các nhà tranh, tre, lứa lá, sau này phát triển thành đình chùa, miếu mạo. 
    Đình làng Lộc Trung được lập nên vào năm 1880 trước khi có tên làng. Tọa lạc trên một khu đất cao gọi là Thủ Ương, với một lều tre bé nhỏ. Sau hơn nửa thế kỷ, năm 1932, dân làng góp công, góp của  đã xây dựng lên một ngôi đình bằng gạch lợp ngói khang trang. Đình có diện tích hơn 110 m2, thiết kế theo kiến trúc hậu cung, trung cung và tiền tế. Cột đình xây bằng gạch hai người ôm không xuể. Mái uốn cong hình rồng, trên mái có vọng lâu, rồng chầu, sấu phục. Đình thờ doanh điền Tiến sĩ Đỗ Quang Phát, người đầu tiên có công khai khẩn ra đất Lộc Trung. Đình còn thờ 100 chân linh liệt sĩ, chân linh các bậc tổ tiên trong làng. Đình có nhiều sắc phong do vua ban. Năm 1935, dân làng xây liền kề một ngôi miếu thờ Bà Chúa Ba.
    Đình Lộc Trung là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong xã. Nền đình cao, là nơi dân làng trú ngụ khi vỡ đê, nước lớn; là trụ sở của Ủy ban hành chính xã, là trường của học sinh ba xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Thanh; là nơi trú ẩn của dân quân, du kích, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; nơi hội họp bí mật cũng như công khai của Chi bộ Đông Hưng - Văn Tố rồi đến Chi bộ Lộc Trung trước đây; nơi diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình; nơi tòa án xét xử lưu động một số vụ án. Năm 1995, đình Lộc Trung được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cấp Bằng công nhận “Di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh”
    Đình Tây khu làng Roãn Đông, nằm nơi ngã ba sông Khổng được xây dựng vào năm 1859, diện tích khoảng 125 m2. Đình thờ vị thành hoàng ghi nhớ công lao người lập nên làng xóm. Năm 1966, đình bị trúng bom của giặc Mỹ, bị sập hoàn toàn, hiện nay chỉ còn lại phần móng cũ. Năm 1943, nhân dân trong làng xây một miếu ở cửa sông Khổng đặt tên là miếu Thần Linh. Năm 2011, nhân dân đóng góp xây dựng ngôi đền đặt tên là Đền mẫu cửa Ba Lạt diện tích 125m2, thờ tứ vị thánh Nương
    Đình Đông khu làng Roãn Đông, được xây dựng vào năm 1929, với diện tích khoảng 80 m2, trên một gò đất cao giữa cánh đồng, hướng ra cửa Ba Lạt. Đình thờ Đệ nhị Đại hải Long Vương và ba vị tiên công. Năm 1966, đình bị bom Mỹ đánh sập. Năm 2008, đình được xây lại.
    Đình làng Thiện Thành, xây dựng vào năm 1900 nằm trên gò đất cao trước cửa sông Khổng, hướng ra Biển Đông, có diện tích 110m2. Đình thờ thành hoàng làng các vị tiên công. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1972, đình Thiện Thành là nơi sinh hoạt, hội họp của Ủy ban kháng chiến, của Chi bộ Đảng Lộc Trung; nơi hội họp của các đoàn thể; nơi diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình đòi giảm tô, giảm thuế. Do tác động của thiên tai, đình bị hư hại xuống cấp, nhân dân công đức thường xuyên trùng tu tôn tạo, tuy không còn hình dáng ban đầu, song vẫn giữ vẻ uy nghi.
    Miếu Âm Đông Ninh, xây dựng năm 1938, thờ quan thần linh - bách linh. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miếu Âm là nơi hội họp của Chi bộ Đông Hưng; nơi tập kết của quân dân du kích, bộ đội, nơi hội họp của xóm Đông Ninh. Qua thời gian phong hóa, miếu Âm xuống cấp, nhân dân đã tôn tạo vào tháng 10 năm Ất Dậu (2005) và được nâng cấp thành đền Lộc Ninh. Năm 2014, tại đây nhân dân xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần.
    Miếu Cầu Văn hóa, xây dựng năm 1984, tại thôn Tân Trào, thờ bản xứ thân linh.
    Chùa Long Hưng:
    Ngày trước, Nam Hưng không có chùa. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các phật tử, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo, ngày 26-5-2005, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Sở Xây dựng cấp phép cho nhân dân Nam Hưng xây dựng chùa. Chùa Long Hưng, khởi công ngày 12-11-2005, tọa lạc bên cạnh di tích lịch sử văn hóa đình làng Lộc Trung, với diện tích xây dựng 150,5m2. Nhân dân phát tâm công đức trên 1 tỷ đồng để xây dựng chùa. Chùa Long Hưng cùng đình Lộc Trung là một khu di tích khang trang, bề thế, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong toàn xã.
    Nhà thờ họ giáo Lộc Trung, được hoàn thành năm 1932 với diện tích 500 m2. Qua thời gian, với tác động của mưa bão, nắng gió, nhà thờ bị xuống cấp. Tháng 11-2005, nhân dân đóng góp xây mới với diện tích 660m2, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh nhà thờ còn có ngôi nhà giáo lý cao hai tầng được xây dựng vào năm 2001. Nhà thờ họ Giáo Lộc Trung là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của hàng trăm gia đình Công giáo ở xã Nam Hưng.
    Nhà thờ họ giáo Nam Phong: Làng Thiện Thành có 54 hộ với 223 khẩu giáo dân, trước đây làng chưa có nhà thờ, các hộ giáo dân thờ Chúa tại một căn nhà cấp 4 do nhân dân nhượng lại. Năm 2010, nhân dân đóng góp xây dựng nhà thờ họ giáo Nam Phong với diện tích 240 m2. 

Media/221_NamHung/Images/z2019856162943-9e74065a7f6578e4386883f55d1ddfe5.jpg